Quỳnh Phụ bảo vệ an toàn tuyệt đối hiện vật tại đền Đồng Bằng
Di tích Đền Đồng Bằng, xã An Lễ, thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, được xếp hạng cấp Quốc gia và là điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình.
Di tích Đền Đồng Bằng, xã An Lễ, thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, được xếp hạng cấp Quốc gia và là điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình.
Để phát huy giá trị di tích, huyện Quỳnh Phụ luôn thực hiện nghiêm túc, nền nếp công tác quản lý theo quy định của pháp luật; hoạt động thực hành tín ngưỡng vừa phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa khai thác tốt tiềm năng du lịch tâm linh. Công tác bảo vệ hiện vật; giữ gìn ANTT được thực hiện rất chặt chẽ và an toàn tuyệt đối.
Ảnh: Cổng dẫn vào đền Đồng Bằng
Tuy nhiên, vừa qua, có công dân xã An Lễ nêu ý kiến: một số cổ vật của đền bị mất hoặc cho đi nơi khác. Như: quả chuông nặng 300kg được treo ở Cung Công đồng, đôi quạt Áp Nhĩ, chiếc ghế Rồng, cỗ Khám Long Đình cũ, bát hương bằng đồng thờ ở cung Cô….
Theo BQL di tích: Đền Đồng Bằng, xã An Lễ được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia theo Quyết định số 235/VHQĐ ngày 12/12/1986. Căn cứ Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích do Bảo tàng tỉnh Thái Bình cung cấp, phần "các hiện vật trong di tích" xác định: "Hầu như các đồ tế khí chỉ còn 4 cỗ ngai, 9 cỗ kiệu, 2 quạt vả và 1 đỉnh. Ngoài ra, còn 02 bát hương gốm và đồng có đường kính 50cm, cao 60cm, hai lọ gốm có niên đại Nguyễn; 01 quả chuông Minh Mệnh cao 1m, đường kính 50cm; Tượng ngồi trên ngai trong hậu cung cao 70cm"; Phiếu Kiểm kê di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng do Ban Quản lý di tích tỉnh thực hiện năm 2015 xác định: Hiện vật đồng trong di tích có 01 quả chuông thời Minh Mệnh và 07 mũ thờ là hiện vật thời Nguyễn;
Theo ban quản lý di tích: Quả chuông không phải là hiện vật được thống kê trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích LSVH quốc gia Đền Đồng Bằng năm 1986 (là hiện vật mới được hiến tặng vào di tích từ năm 2006);
Đầu năm 2024, BQL đền Đồng Bằng tiến hành việc tu sửa cấp thiết một số hạng mục bên trong đền Đồng Bằng theo Văn bản thỏa thuận số 43/SVHTTDL-QLVH ngày 16/01/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình. Trong quá trình khảo sát thi công, phát hiện hệ thống cột gỗ của đền có dấu hiệu bị mối mọt, bỏ mộng, hiện trong đền có treo 10 quả chuông to, nhỏ và 01 quả chuông ở trên cổng tam quan. Để đảm bảo an toàn cho công trình, Thường trực BQL đã họp với Tổ bảo vệ và các cụ Ban khánh tiết di tích bàn cách hạ bớt chuông xuống để đảm bảo việc thờ tự, an toàn cho công trình và đưa vào bảo quản lưu trữ và đã thống nhất hạ bớt 02 quả chuông (01 quả tại vị trí phía bên trái cung công đồng và 01 quả tại cung đệ nhị) và di chuyển quả chuông phía tay phải trước cửa cung cấm treo về vị trí quả chuông phía bên trái cung đệ nhị.
Theo báo cáo của các cụ trong Ban khánh tiết và Tổ bảo vệ, quả chuông phía bên tay trái cung công đồng được nhà đền tiếp nhận công đức hiện vật từ năm 2006 (trên quả chuông có ghi cụ thể thời gian công đức bằng chữ Hán Nôm), sau khi hạ xuống bảo quản tại di tích một thời gian, các bậc cao niên và cơ sở thôn Hưng Hòa, xã An Lễ có đơn đề nghị gửi UBND xã An Lễ và BQL đền Đồng Bằng giúp đỡ làng 01 quả chuông treo thờ tại đình Đồng Hưng để làng sử dụng. Ban quản lý đền xét thấy sự cần thiết của đình làng Đồng Hưng cần có 01 quả chuông để sử dụng vào các ngày sự lệ, tuần tiết trong năm tại di tích. Sau khi có sự thống nhất của Thường trực BQL, Ban khánh tiết đền và chính quyền địa phương xã An Lễ, nhà đền thống nhất, đã làm nghi lễ tâm linh sau đó chuyển về đình Hưng Hòa quả chuông này, đến khi nào làng xin được công đức quả chuông mới về thờ thì sẽ chuyển lại đền Đồng Bằng quả chuông này. (Việc bàn giao quả chuông có Biên bản và Đơn đề nghị kèm theo)
Ảnh: Lãnh đạo sở văn hóa –thể thao và du lịch về kiểm tra tại đình Hưng Hòa
Ông Phạm Ngọc Báu
Trưởng ban quản lý đình làng Đồng Hưng xã An Lễ
"Đình làng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, mới được trùng tu, tôn tạo lại, nên đồ thờ tự vẫn còn rất nghèo nàn, chưa có gì cả. Thể theo nguyện vọng của các bậc cao niên và nhân dân trong thôn, muốn được đón 01 quả chuông tại Đền Đức Vua Cha Bát Hải để sử dụng trong ngày lễ, ngày Tết, để đình làng thêm ấm cúng.
Hiện tại, quả chuông đã được chúng tôi rước về và thỉnh chuông, thờ tại đình làng.
Nếu sau này, làng chúng tôi giáo hóa được, xin được quả chuông to hơn, thì quả chuông này, chúng tôi lại xin trả về đền Đức Vua."
Về cỗ khám long đình: Cỗ khám long đình không phải là hiện vật được thống kê trong hồ sơ xếp hạng di tích LSVH quốc gia Đền Đồng Bằng năm 1986.
Cỗ khám được Ban quản lý di tích đền Đồng Bằng của xã An Lễ tiếp nhận công đức hiện vật vào khoảng năm 2007 và đưa vào bài trí thờ tự trong Hậu cung từ đó đến nay; khi tiến hành tu sửa cấp thiết di tích theo Văn bản thỏa thuận số 43/SVHTTDL- QLVH ngày 16/01/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích đền Đồng Bằng đã phát hiện cỗ khám đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã lập biên bản và thống nhất kêu gọi công đức hiện vật mới (có Biên bản Kiểm tra hiện trạng đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình và Văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Do nhà bảo quản hiện vật của đền không gian hạn chế, nên Cỗ khám cũ hiện nay được Ban quản lý di tích bảo quản, lưu trữ tại đền thờ Quan lớn Đệ Bát nằm trong quần thể di tích LSVH Quốc gia đền Đồng Bằng, xã An Lễ và đang tiến hành lập hồ sơ bảo quản hiện vật theo quy định.
Ảnh: Khám long đình (cũ) đang được giữ gìn tại di tích đền Quan lớn Đệ Bát
"Cỗ long đình cũ mà Ngài ngự đã long lay, mối mọt, một số chỗ đã gẫy, Ngài ngồi chật. Có nhà tài trợ khám mới, rộng ra, cao lên, bệ Ngài ngồi thoải mái.
Trong Tết đã rước Ngài ngự, còn cỗ khám cũ chuyển sang quan lớn Đệ Bát. Quan lớn Đệ Bát cũng là hàng quan của Đức Vua Cha, mà cũng là trong quần thể di tích đền Đồng Bằng."
Cụ Trần Xuân Miện-trưởng ban khánh tiết đền Đồng Bằng
Về đôi quạt Áp Nhĩ: Đôi quạt áp nhĩ là hiện vật được thống kê trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích LSVH quốc gia Đền Đồng Bằng năm 1986 (trong hồ sơ di tích LSVH quốc gia Đền Đồng Bằng ghi là "đôi quạt vả").
Khi tiến hành tu sửa di tích theo Văn bản thỏa thuận số 43/SVHTTDL-QLVH ngày 16/01/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý di tích phát hiện đôi quạt đã bị hư hỏng, phần lá đồng chạm trang trí gãy, không thể tiếp tục sử dụng; để đảm bảo an toàn, Ban quản lý đã thống nhất cùng với các cụ trong Ban khánh tiết chuyển đôi quạt Áp Nhĩ xuống nhà bảo quản, lưu trữ và đang lập hồ sơ tu sửa cấp thiết để bảo tồn hiện vật.
Về chiếc ghế Rồng: Chiếc ghế rồng không phải là hiện vật được thống kê trong hồ sơ xếp hạng di tích LSVH quốc gia Đền Đồng Bằng năm 1986 (là hiện vật được hiến tặng vào di tích nhưng chưa xác định được chính xác thời điểm tiếp nhận).
Trong cung cấm đền Đồng Bằng có 02 ghế Rồng, trong đó có 01 ghế trước đây có phủ áo của Đức Vua, du khách thập phương vào chiêm bái trong cung cấm thường đặt tiền ở đó. Ban quản lý di tích đã nhận được nhiều ý kiến góp ý là không nên để Nhân dân đặt tiền lên áo của Đức Vua gây phản cảm và mục đích sử dụng (theo như công dân ý kiến là các cụ truyền lại chỉ dùng khi đại hạn hoặc có đại dịch hoặc khi đất nước lâm nguy thì rước Thánh bằng ghế Rồng để cầu đảo). Vì vậy, Thường trực Ban quản lý, Ban khánh tiết đền đã thống bảo quản ghế Rồng trong phòng thờ các cụ tiền thủ nhang của đền và sẽ đưa vào sử dụng khi cần thiết.
Về việc lát lại nền đền và sửa giếng trong cung cấm: Thực hiện văn bản số 43/SVHTTDL-QLVH ngày 16/01/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình về việc thỏa thuận hồ sơ tu sửa cấp thiết di tích đền Đồng Bằng. Ban quản lý di tích đã tổ chức triển khai thực hiện việc tu sửa cấp thiết di tích đảm bảo trình tự, hồ sơ xây dựng theo quy định.
Về bát hương thờ tại cung Cô: Bát hương đồng tại cung Cô không phải là hiện vật được thống kê trong hồ sơ xếp hạng di tích LSVH quốc gia Đền Đồng Bằng năm 1986 (là hiện vật được hiến tặng, chưa xác định được chính xác thời điểm tiếp nhận).
Vào khoảng thời gian tháng 7/2023, sau khi kiểm tra việc sắp xếp thờ tự tại cung Cô trong đền Đồng Bằng, BQL, Tổ bảo vệ, Ban khánh tiết nhà đền đã phát hiện bát hương đồng thờ trên cung Cô hiện cao và to làm che khuất tượng thờ trên ban thờ nên các cụ trong Ban khánh tiết đã báo cáo với Ban quản lý và làm lễ tâm linh xin thay bát hương mới để thờ cho phù hợp với không gian thờ tự. Bát hương đồng của cung Cô được chuyển sang thờ tại cung đệ Tam, bát hương cung đệ Tam chuyển sang cung Quan, bát hương cung Quan bị thủng. Hiện nay, bát hương đồng tại cung Quan đang được bảo quản lưu trữ trong nhà lưu trữ hiện vật của đền và đang lập hồ sơ tu sửa cấp thiết để bảo tồn hiện vật.
Về việc sơn thếp lại câu đối, đại tự trong cung cấm: Trong quá trình tu sửa cấp thiết trong cung cấm đền Đồng Bằng, sau khi kiểm tra hiện trạng, các hoành phi, câu đối, cửa võng trong cung cấm có dấu hiệu bị xuống cấp, phần sơn thếp bị ám khói, bong tróc, sơn thếp bị phai mờ. Có đơn vị về lễ tại đền xin phát tâm công đức bằng hiện vật sơn son, thếp vàng các hoành phi, câu đối, cửa võng trong cung cấm (theo như đơn vị công đức báo cáo là thếp bằng vàng thật). Thường trực Ban quản lý, Bộ phận điều hành, Ban khánh tiết nhà đền và đại diện UBND xã An Lễ đã họp bàn và thống nhất chủ trương tranh thủ tiếp nhận nguồn công đức bằng hiện vật để tôn tạo di tích.
Về việc quản lý vàng:Việc tiếp nhận bàn giao vàng của Thủ nhang Nguyễn Như Thăng đã được Ban quản lý di tích tiếp nhận bàn giao và niêm phong đem đi kiểm định có các thành phần của huyện, của xã, cơ sở thôn Đồng Bằng và người đại diện của Thủ nhang Nguyễn Như Thăng, ông Quách Đức Thanh - Người ở thị trấn Đông Hưng (người trực tiếp tháo vàng trang sức trên tượng Đức Vua), trong đó có 02 hộp niêm phong: 1 hộp đựng các hiện vật bằng vàng tháo trên Tượng Đức Vua; 01 hộp đựng số vàng trong két sắt.
Ngày 02/01/2023, khi mở niêm phong hộp đựng hiện vật bằng vàng trên tượng Đức Vua có sự chứng kiến của các đại diện BQL và các thành phần có liên quan và ông Quách Đức Thanh - Người ở thị trấn Đông Hưng là người tháo các hiện vật bằng vàng trên Tượng Đức Vua và cũng là người chứng kiến mở niêm phong sau đó lại trực tiếp đeo nguyên hiện vật trang sức lên người Đức Vua; hộp vàng còn lại vẫn còn niêm phong hiện vẫn bảo quản trong két của nhà đền.
Về sử dụng người lao động: Ban quản lý di tích đã thành lập Tổ bảo vệ di tích làm việc trực tiếp tại di tích gồm 28 thành viên trên cơ sở lực lượng cũ làm việc tại đền. Sau 02 năm tiếp nhận bàn giao quản lý, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, các sở, ban ngành có liên quan của tỉnh; của TT Huyện ủy, TT HĐND, UBND huyện; sự quan tâm phối hợp của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã An Lễ, các cơ sở thôn; sự đồng thuận của Nhân dân địa phương xã An Lễ, Nhân dân, quý khách thập phương. Công tác quản lý tại đền Đồng Bằng đã được tăng cường quản lý có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước dần đi vào nền nếp, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, nội quy, sắp xếp lại đội ngũ làm việc tại đền, chỉnh trang hạ tầng, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp; hoạt động ăn mày, xin lộc đã được khắc phục; Lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức thành công và được đánh giá cao; các hoạt động thực hành tín ngưỡng tại di tích được tăng cường quản lý, đảm bảo phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, hướng đến mục tiêu phát triển cùng với các điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Công tác quản lý tài chính, tài sản được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Trên cơ sở nhận thức rõ những nỗ lực của huyện, của địa phương, ban quản lý di tích và Nhân dân trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di tích, mỗi người cần có quan điểm đúng đắn, lên án, phản bác những thông tin chưa đúng, chưa khách quan, chưa chân thực về công tác tu bổ, quản lý đền Đồng Bằng. Pháp luật hiện hành cũng có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật hoặc phản ánh, cung cấp những thông tin không chính xác làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân cũng như tập thể.
Hy vọng một ngày không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với một diện mạo mới, khang trang hơn, quy mô hơn, để lại ấn tượng sâu sắc hơn với Nhân dân và du khách thập phương. Hãy cùng chung tay xây dựng, quảng bá hình ảnh để điểm du lịch tâm linh này mãi là niềm tự hào, thương hiệu của người dân Quỳnh Phụ, Thái Bình./.