Khai mạc lễ hội truyền thống đền La Vân năm 2024
Sáng ngày 30/4/2024 - ngày 20/3 âm lịch, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Quỳnh Hồng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền La Vân năm 2024.
Sáng ngày 30/4/2024 - ngày 20/3 âm lịch, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Quỳnh Hồng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền La Vân năm 2024.
Tới dự, ở tỉnh có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, ở huyện có các đồng chí Phạm Hồng Thái- HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng ban, ngành, đoàn thể của huyện, các đồng chí lãnh đạo các xã trong cụm, ở xã có mẹ Việt Nam Anh hùng – Lê Thị Gái, các đồng chí lãnh đạo thay mặt cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể xã Quỳnh Hồng, đông đảo cán bộ, Nhân dân, con em quê hương, quý khách thập phương xa gần đã đến dự.
Làng La Vân thuộc xã Quỳnh Hồng, nơi nổi tiếng của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng với nghề ươm bèo hoa dâu. Theo ngọc phả của di tích, xưa có vị sư cao tăng nhổ nước miếng thần thiêng ứng nghiệm bọt biến thành cánh bèo dâu truyền lại cho làng. Trên mảnh đất bề dày lịch sử - nằm giữa làng La Vân là quần thể di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Đình - Đền – Chùa La Vân, Chùa Cổng được xếp hạng di tích LSVH cấp quốc gia năm 1989. Nơi đây thờ vị Thánh tổ “Lý Triều Quốc sư Nguyễn Minh Không, ông là vị sư cao tăng Triều Lý, “Lục Trí Thần Thông, giải pháp thuật, trừ mọi tai ách cho thiên hạ, ông đã từng giữ chức Thái sư, trong cuộc đời tu luyện Phật học và cứu nhân độ thế, Quốc sư Nguyễn Minh Không có nhiều công lao trong việc xây dựng chùa, tháp, đặc biệt là đúc tượng - đỉnh của các công trình kiến trúc Phật giáo thời nhà Lý. Là người tạo nên “Tứ đại khí” là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điển, Tượng Phật Quỳnh Lâm và Đỉnh Phổ Minh nổi tiếng ở nước ta, ông được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam. Để tưởng nhớ công ơn của Ngài hàng năm làng La Vân đều tổ chức lễ hội vào ngày 20 tháng 3 âm lịch diễn ra đến ngày 26 tháng 3 âm lịch.
Sau lễ dâng dương là các hoạt động rước bộ, tế lễ cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, phần hội là các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống như kéo chữ, trình nghề tứ dân, vũ hội, các trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, múa kéo chữ, trình nghề tứ dân “sỹ nông công thương”, pháo đất, thi bơi thuyền, võ thuật, kéo co, chọi gà….
Để tổ chức tốt lễ hội La Vân, Ban tổ chức đã xây dựng và triển khai kế hoạch, các hoạt động trong lễ hội được tổ chức đảm bảo quy định, tạo điều kiện cho Nhân dân và du khách về thăm quan dâng hương đảm bảo an toàn về mọi mặt. Qua lễ hội nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, từ đó giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, cội nguồn.
Một số hình ảnh tại khai mạc lễ hội đền La Vân