Nông dân Quỳnh Phụ khẩn trương làm đất để hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa
Đến nay, các địa phương trong huyện đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa xuân, nông dân đang tập trung làm đất, chuẩn bị xuống giống gieo mạ mùa.
Đến nay, các địa phương trong huyện đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa xuân, nông dân đang tập trung làm đất, chuẩn bị xuống giống gieo mạ mùa.
Trong sản xuất vụ mùa, do yêu cầu thời vụ khắt khe, nhiều diện tích nông dân làm đất chưa kỹ dẫn đến cây lúa bị ngộ độc hữu cơ. Đây là hiện tượng thường xảy ra vì khoảng thời gian từ khâu làm đất đến gieo cấy ngắn khiến rơm, rạ chưa kịp ngấu. Sau khi gieo cấy, lượng rơm rạ tiếp tục sản sinh ra khí H2S và CH4... làm cho cây lúa bị còi cọc, lá biến vàng, thân nhỏ và yếu ớt, nhổ lên thấy rễ bị đen, vàng, ít rễ trắng, lúa sinh trưởng, phát triển kém, nếu không được khắc phục ngay sẽ lùn lụi, năng suất thấp, thậm chí bị chết.
Vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ và nâng cao năng suất cho lúa mùa, vấn đề quan trọng nhất là công tác làm đất. Sau khi thu hoạch bà con nông dân cần khẩn trương làm đất ngay, đảm bảo đủ thời gian để rơm rạ thối ngấu và kịp khung thời vụ gieo cấy.
Ảnh: Các địa phương huy động máy làm đất khẩn trương lồng vận rạ
Trên thực tế, các hộ chủ yếu gặt ngang lưng cây lúa, lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn, dễ dẫn đến hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ. Do đó, khi thu hoạch lúa xong nên sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như AY-YTB, Sumitri hoặc rắc phân vi sinh Azotobacter với lượng 7 - 10 kg/sào + 10 - 15 kg vôi bột, sau đó cày vùi rơm rạ, đưa nước vào ngâm dầm ít nhất 5 - 7 ngày rồi tiến hành bừa cấy.
Lưu ý: Những chân ruộng trũng phèn cần bón lượng vôi bột khoảng 20 - 25 kg/sào để hạn chế hiện tượng ngộ độc sắt cho lúa mùa sau cấy./.