Lịch sử hình thành
Quỳnh Phụ là huyện có vị trí chiến lược của tỉnh Thái Bình với 2 cửa ngõ quan trọng thông thương với các tỉnh bạn. Phía Tây bắc, dọc theo tỉnh lộ 396B, qua cầu Hiệp là tỉnh Hải Dương.
Phía Đông bắc, theo quốc lộ 10, qua cầu Nghìn là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Phải chăng vì vị thế quan trọng đó mà Quỳnh Phụ là đất có cư dân sinh sống lâu đời nhất và Thị trấn huyện lỵ Quỳnh Côi được thành lập và công nhận là thị trấn sớm nhất của tỉnh Thái Bình. Với thế sông nước ở phía bắc, đất đai trải rộng về phía biển, Quỳnh Phụ trở thành bàn đạp để con người tiến ra biển Đông.
Huyện Quỳnh Phụ nay được hợp nhất từ hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực năm 1969. Đầu thời Trần đất này thuộc huyện A Côi và Đa Dực, thuộc lộ An Tiêm. Trước đó, từ khoảng 500 năm trước công nguyên, căn cứ theo những di vật tìm được, các nhà khoa học khẳng định con người đã tụ cư đông đúc ở đây và một vùng thuộc huyện Hưng Hà ngày nay. Lịch sử hơn 2000 năm đã khắc ghi nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống lao động sản xuất và truyền thống cách mạng. Thời phong kiến mảnh đất nhỏ bé này đã có 23 người con thi đỗ tiến sỹ. Nghệ thuật Chèo và Múa kéo hội cổ truyền còn được lưư giữ đến ngày nay. Trong 2 cuộc kháng chiến gần đây Quỳnh Phụ có hơn 7 nghìn liệt sỹ, 4 nghìn thương bệnh binh. Hiện nay có 30,5 nghìn người hưởng các chế độ, chính sách nhà nước. Quỳnh Phụ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân