mic
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ Hội đền A Sào được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Xét về địa danh của một huyện thì tên gọi Quỳnh Phụ chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ ngày 17/6/1969 theo Quyết định số 93/CP của Chính phủ về việc thành lập huyện Quỳnh Phụ trên cơ sở sáp nhập hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực.

Theo một số nguồn thư tịch, có người đã khái quát: Quỳnh Côi chuộng võ, Phụ Dực sùng văn. Các làng xã thuộc vùng đất này từng sáng láng tên tuổi của hơn 20 nhà khoa bảng với nhiều làng khoa bảng, nhiều dòng họ hiếu học, thành danh. Trong bề dày truyền thống hàng nghìn năm, Quỳnh Phụ từng có biết bao tên đất, tên làng gắn với những sự kiện lịch sử trên các chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc.

Từ thuở xa xưa, khi quốc gia Đại Việt chia đặt đơn vị hành chính dưới các phủ, lộ là huyện thì huyện Quỳnh Côi có tên gọi A Côi, huyện Phụ Dực có tên gọi Phụ Phượng. Vào thời Lý - Trần, nhiều vùng đất của A Côi, Phụ Phượng đã được ban phong làm điền trang, thái ấp cho hoàng thân, quốc thích, công hầu khanh tướng của triều Lý và triều Trần, trong đó có vùng đất A Cảo được Lý Huệ Tông ban phong cho Phụng càn vương Trần Liễu, anh ruột của vua Trần Thái Tông và là phụ thân của Trần Quốc Tuấn. Đó chính là duyên cớ để Phụ Phượng có "tứ cố cảnh" là Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào gắn liền với những sự kiện lịch sử giữ nghiệp và hưng nghiệp của nhà Trần.

Sử sách lưu truyền: Họ Trần từ vùng đất Tam Đường, nay thuộc huyện Hưng Hà từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị để giành được vương triều khi nhà Lý suy vong. Biết vùng đất bãi nằm ven sông Hóa có tên A Cảo đúng là nơi hội tụ khí thiêng sông biển, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên triều đình nhà Trần đã chọn thái ấp A Cảo của Phụng càn vương Trần Liễu để xây dựng căn cứ địa. Cũng chính mảnh đất này đã gắn bó với Trần Quốc Tuấn từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, góp phần hun đúc nên tài năng, phẩm hạnh của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mà xưa nay con dân Đại Việt vẫn thành kính gọi ngài là Đức Thánh Trần. Trung tâm của vùng đất thiêng đó chính là làng A Sào và những trang ấp cận kề.

Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300) là con Trần Liễu. Mẹ là Thuận Thiên công chúa, húy là Lý Thị Nguyệt, hiệu Đoan Túc, chị ruột của vua Lý Chiêu Hoàng. Quốc Tuấn là cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột. Ông thuộc tôn thất nhà Trần, được phong tước Hưng đạo vương, sau đó lại được phong là Hưng đạo Đại vương nên sử sách vẫn lưu truyền tính danh ông là Trần Hưng Đạo hoặc tôn xưng một cách đầy đủ là Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Thuở bình sinh, dân gian từng vẫn tôn vinh Trần Quốc Tuấn là một vị thánh sống. Dân chúng ở Kiếp Bạc (Hải Dương) và A Sào (Thái Bình) đã lập sinh từ thờ ngài. Khi đã hóa thân và đã trở thành Đức Thánh Trần bất tử, ngài được dân chúng khắp nẻo làng quê trong cả nước lập đền, đình, miếu, điện phụng thờ.

Nhiều trăm năm đã qua, trong tâm thức dân gian của người Việt Nam đã huyền thoại hóa cuộc đời, hành trạng và cả sự sinh, sự hóa của Hưng đạo Đại vương. Nơi sinh của Trần Quốc Tuấn cũng có nhiều sách chép khác nhau, có sách viết sinh ở Tức Mặc (Nam Định), có sách chép sinh ở Kiếp Bạc (Hải Dương), có sách viết sinh ở A Sào (Thái Bình)… Vì Hưng đạo Đại vương đã thành Đức Thánh Trần nên sự sinh, sự hóa, sự thăng, sự giáng của ngài thường biến hóa khôn lường.

Sử sách từng lưu truyền rằng: Khi triều đình nhà Trần triển khai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn tuổi vừa 18 được phong tước Thượng vị hầu, được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào.

Trước khi bước vào cuộc kháng chiến lần thứ hai, đích thân các vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (nay gồm các phần đất của cả Thái Bình và Hải Phòng) thành một phòng tuyến để triển khai thế trận thủy chiến. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương. A Sào đã trở thành đất thánh trong thế trận thủy chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở vùng duyên hải phía Bắc. Cũng từ đó, các địa danh ở vùng quê này đã gắn liền với lịch sử diệt giặc Thát và trường tồn cùng lịch sử dân tộc như Mễ Thương (kho gạo), Am Qua (kho gươm), Đại Nẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần)…

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba (1288), Trần Quốc Tuấn đã được phong Hưng đạo Đại vương, Quốc công Tiết chế, thống lĩnh quân đội. A Sào đã được chọn là nơi đặt đại bản doanh.

Một lần, ngài cưỡi voi đi chỉ huy chiến dịch, trên đường vượt sông Hóa truy đuổi quân giặc qua bến A Sào thì voi chiến bị sa lầy. Dân chúng cứu voi không được đã dùng thuyền mảng đưa Trần Hưng Đạo cùng tướng sĩ sang sông và giã hàng nghìn chiếc bánh giày cho quân đội nhà Trần làm lương ăn trên đường tiến công địch.

Cảm kích trước lòng dân và để khích lệ quân sĩ, Trần Hưng Đạo đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông mà thề: "Nếu trận này không thắng, ta thề không về bến sông này".

Sau ngày toàn thắng, bến sông nơi voi trận của Trần Hưng Đạo sa lầy đã được dân gọi là bến Tượng, trên bến có miếu thờ tượng voi. Dân làng A Sào đã lập sinh từ thờ Đức Thánh Trần - Hưng đạo Đại vương. Sinh từ thờ ngài ở Kiếp Bạc gọi là Đệ nhất sinh từ, ở A Sào gọi là Đệ nhị sinh từ, dân gian vẫn gọi là A Sào linh miếu. Trong khuôn viên của Đệ nhị sinh từ có hồ Tắm Tượng, có Sinh Bia và nhiều linh khí khác, gần đó có gò Đóng Yên cùng nhiều địa danh gắn liền với sự kiện voi chiến của Trần Hưng Đạo vượt sông.

Lời thề bến Tượng đã được tạc vào lịch sử, trường tồn với thời gian cùng bất hủ như lời tâu với vua Trần của Trần Quốc Tuấn: "Nếu bệ hạ muốn hàng thì hãy chém đầu thần trước đã".

Trong truyền thống, hàng năm, xuân thu nhị kỳ, dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ. Hội xuân được mở từ ngày 10/2 âm lịch, hội thu được mở vào ngày 20/8 âm lịch. Lễ hội làng A Sào là một lễ hội lớn trong vùng. Theo lệ xưa, mọi sự lệ trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc tế, triều đình cử các quan về hành tế và thường có bánh giày để cúng tế.

Trải hơn 700 năm với bao cơn binh lửa và sự thăng trầm của lịch sử, quần thể di tích A Sào - bến Tượng - đình Mễ Thương đã bị hư hao nhiều. Cách đây hơn 60 năm, tượng voi thờ ở bến Tượng đã hằn vết đạn của giặc Pháp. Đã có những năm tháng, khu di tích này trở nên hoang tàn nhưng khói hương vẫn không bao giờ phai nhạt và linh khí của Đức Thánh Trần ở nơi đất thiêng này thì trường tồn mãi mãi theo năm tháng.

Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, cụm di tích đền A Sào - bến Tượng - đình Mễ Thương ngày càng thu hút được nhân dân trong và ngoài địa phương quan tâm chăm lo giữ gìn, tôn tạo. Một ngôi đền mới (Đệ nhị sinh từ) đã được phục dựng bằng nguồn lực của cộng đồng. Khách hành hương thập phương tìm về A Sào - bến Tượng dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần và voi chiến của ngài ngày một đông thêm. Hằng hà sa số những câu chuyện về sự linh ứng diệu huyền từ vùng đất A Sào lại thêm lan tỏa đến muôn phương.

Năm 2014, quần thể di tích đền A Sào, bến Tượng và đình Mễ Thương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó đền A Sào chính là Đệ nhị sinh từ mà dân gian vẫn gọi là A Sào linh miếu; bến Tượng là nơi có miếu và tượng voi thờ; đình Mễ Thương là nơi đặt kho gạo nhà Trần, từ cổ xưa vẫn được lưu danh là Mễ Thương thắng tích.

UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích lịch sử nhà Trần tại thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ với diện tích 31,7ha, trong đó có nhiều hạng mục lớn, xứng tầm với sự kiện và địa danh lịch sử.

Mấy năm vừa qua, việc triển khai thực hiện quy hoạch tôn tạo khu di tích A Sào đã và đang được tiến hành theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm và đặc biệt trân trọng tiếp nhận sự tham gia của các nguồn lực của xã hội. Cho đến nay, một số hạng mục trong quần thể di tích trong đó có khu Phủ Đệ đã được xây dựng với quy mô hoành tráng.

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định chứng nhận lễ hội đền A Sào được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Có thể coi đây là một trong những sự kiện góp phần thắp sáng thêm ngọn lửa thiêng tại Đệ nhị sinh từ - A Sào linh ứng.

Chắc chắn rằng A Sào ngày mới sẽ xứng tầm với một địa danh lịch sử gắn với những sự kiện lịch sử trọng yếu trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ XIII và sẽ trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, có sức cuốn hút du khách thập phương tìm về và những câu chuyện diệu huyền về sự linh ứng ở A Sào ngày thêm nối dài đến vô cùng, vô tận.

 


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ hành chính

Vị trí địa lý

Diện tích: 209,6 Km2

Dân số: 245.188 người

Bình chọn
Thời tiết các vùng
Thống kê truy cập
Hôm nay : 180
Hôm qua : 2.089