Đền Đồng Bằng – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy (An Lễ- Quỳnh Phụ - Thái Bình)
Đền Đồng Bằng tọa lạc bên dòng sông Diêm thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền có tên tự là Bắc Hải Linh Từ, nơi thờ Vua cha Bát Hải Động Đình - người có công lao to lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp, xây dựng giang sơn xã tắc thuở sơ khai.
Đền Đồng Bằng tọa lạc bên dòng sông Diêm thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền có tên tự là Bắc Hải Linh Từ, nơi thờ Vua cha Bát Hải Động Đình - người có công lao to lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp, xây dựng giang sơn xã tắc thuở sơ khai.
Đền Đồng Bằng được nhân dân biết đến là một ngôi đền linh thiêng có từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Đền có sắc phong “Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Tục truyền rằng, vào đời vua Hùng Vương thứ 18, nước ta bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình phải lập đàn để triệu Linh sơn Tú khí về giúp nước dẹp giặc. Khi ấy thủy thần làng Đào Động đã hiện thân phò vua dẹp giặc và có công đầu trong việc trấn giữ tám cửa bể phía Tây. Ngài được sắc phong là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Kể từ đó nơi đây là chốn địa linh được nhân dân bốn phương ngưỡng vọng và lập đền thờ.
Vào thế kỉ XIII, làng Đào Động còn là một trong những phòng tuyến quân sự quan trọng của nhà Trần, đây là nơi đóng quân và luyện tập thủy chiến của quân binh. Trước khi ra trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng sĩ đều đến dâng hương cầu nguyện tại ngôi đền. Sau khi mất đi, ông được nhân dân phối thờ tại đây. Kể từ đó, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa.
Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật đồ đồng, đồ đá và đồ gỗ với diện tích nội tự là 6.000m2, gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế. Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thiếp vàng về các chủ đề tứ linh, tứ quý, các bộ lư hương, án thờ, long ngai và các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo, tuyệt mỹ từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Bởi những huyền tích, giá trị lịch sử, nghệ thuật mà đền Đồng Bằng được biết đến là ngôi đền linh ứng và bốn mùa hương khói. Đặc biệt, năm 1986 đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, trở thành một điểm nhấn trong du lịch Thái Bình.
Theo tục lệ hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo con nhang đệ tử, nhân dân và du khách gần xa.
Lễ hội bao gồm phần lễ là các nghi lễ tế thần, lễ rước, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, được cử hành long trọng, uy nghi và tôn kính; bên cạnh đó phần hội cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như hát văn hầu bóng, kéo co, chọi gà, cờ tướng, đấu vật..., trong đó đáng chú ý nhất là tục đua thuyền.
Hội đua thuyền làng Đào Động trước đây nổi tiếng khắp cả vùng, gần đây mới được khôi phục và thường kéo dài suốt 5 ngày lễ. Theo tục lệ, sáng ngày 21/8 âm lịch, một đám rước uy nghiêm, long trọng được nhân dân tiến hành rước Đức Vua cha từ đền ra đình Bơi để mở hội đua thuyền, người dân tin rằng Đức Vua cha cùng các vị thần linh sẽ ngự giá để xem làng đua thuyền. Trong những ngày 22, 23, 24/8, hội đua thuyền diễn ra trong không khí tranh đua sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Hội đua thuyền là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp của một dân tộc có truyền thống thượng võ và giỏi về thủy chiến, cũng là biểu hiện của ý thức đoàn kết dân tộc, tinh thần cố kết cộng đồng, là nét đẹp văn hóa, mang giá trị thể thao và giải trí. Hội đua thuyền vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay để nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương cùng tướng sĩ nhà Trần trong chiến công hiển hách Bạch Đằng lịch sử
Ngày 26/8 là ngày giã hội, theo thường lệ một cuộc rước long trọng được tiến hành để mời Đức Vua cha và các vị thần trở về Đền. Lễ hội đền Đồng Bằng kết thúc với niềm phấn khởi và những ước vọng cho một năm gặp nhiều may mắn.
Lễ hội đền Đồng Bằng lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp, là dịp để thể hiện lòng biết ơn, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự ngưỡng vọng, tôn kính của nhân dân đối với Đức Vua cha Bát Hải Động Đình và tưởng nhớ ngày mất của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương. Lễ hội được coi như là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đồng thời lễ hội đền Đồng Bằng cũng là nơi đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, nơi đây được coi là một trong những trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ lớn của nước ta. Hàng năm, nhân dân và du khách bốn phương đến đây mang theo ước vọng và những lời nguyện cầu cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và dường như lễ hội đã in sâu vào tiềm thức của nhân dân cùng với câu ca dao:
Dù ai buôn xa bán xa
22 tháng 8 giỗ Cha thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
22 tháng 8 nhớ về Đào Thôn
Nhận thức được giá trị truyền thống văn hóa của lễ hội đền Đồng Bằng đối với đời sống của nhân dân cũng như việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh, nên đền Đồng Bằng luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đóng góp của nhân dân và du khách. Cùng với đó là sự tăng cường công tác quản lý lễ hội để đảm bảo các yếu tố văn hóa đẹp, lành mạnh tiếp tục được phát huy, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hạn chế, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xu hướng thương mại hóa..., không làm ảnh hưởng, phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có của chốn linh thiêng, không làm lu mờ và méo mó các giá trị đích thực của lễ hội.