TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN THỰC PHẨM
TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN THỰC PHẨM
1. PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM MÙA HÈ
Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, gia tăng sử dụng nước đá ăn uống, nguyên liệu tươi sống không bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…
Mùa hè, thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… là vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Khuyến cáo thực hiện: 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
1. Chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
2. HƯỚNG DẪN
LỰA CHỌN THỰC PHẨM TƯƠI SỐNG AN TOÀN
Sử dụng thực phẩm tươi ngon không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể chúng ta phòng tránh được nhiều bệnh. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn có thể lựa chọn được thực phẩm tươi cho gia đình mình.
Cách chọn gạo ngon: Gạo là thực phẩm dạng lương thực cung cấp cho chúng ta chủ yếu chất tinh bột. Gạo mới sẽ giữ nguyên được hàm lượng dưỡng chất, không có các thành phần nấm mốc. Để biết được gạo mới, ngon hay không chúng ta cần nhìn và sờ vào gạo. Gạo mới là hạt gạo khô, không bị ẩm mốc, các hạt gạo đều nhau, hình tròn hay dài tùy giống lúa, trong, không đục, không có mạt cám, không có màu sắc biến đổi. Nếu cắn thử thấy hạt gạo giòn, không vỡ vụn. Ngửi mùi gạo có mùi thơm đặc trưng. Đó là gạo mới và ngon.
Cách nhận ra thịt tươi: Thịt là thực phẩm cung cấp chất đạm và chất béo cho cơ thể, một phần tham gia vào cơ chế cung cấp và duy trì năng lượng. Thịt tươi mới là thịt của động vật vừa mới giết mổ. Nếu là thịt mới thì thịt còn ấm, miếng thịt dẻo, thơm mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ, bề mặt miếng thịt không có lớp màng bao phủ, lấy ngón tay ấn sẽ thấy đàn hồi tốt và không chảy nước. Nếu bạn nhìn nghiêng dưới ánh sáng thì có thể thấy các màu ngũ sắc ánh lên khác nhau. Đó là thịt tươi và ngon. Thịt ôi thì không được dẻo, miếng thịt vón lại như một cục và sẽ không có các màu ngũ sắc, ngửi có mùi hôi.
Dấu hiệu cá tươi: Cá là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe vì cung cấp nhiều đạm, nhiều axít béo. Để biết được cá tươi, ngon chúng ta sẽ thấy vảy cá xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường. Mang cá khép chặt, nếu lấy tay nâng mang cá lên xem sẽ thấy mang cá màu hồng tươi mà không phải màu tía. Chú ý quan sát mắt cá. Cá tươi thì mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài. Chất nhờn trên thân mình phải trong, nhớt và không có mùi lạ.
Cách chọn rau quả tươi: Rau quả tươi là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ và các khoáng chất cần thiết như sắt, đồng, kẽm, magiê, các vitamin…. Rau củ tươi là rau củ không héo, màu xanh hoặc màu đặc trưng mà không bị biến dạng. Cánh lá cứng cáp, không mềm. Cầm cây rau lên thân cây rau sẽ nằm thẳng, không mềm rũ xuống là rau mới. Sờ thân cây rau không có nhớt vì nhiều khi lá héo được người bán hàng vứt bỏ nhưng những lá thối sẽ tạo nhớt trên thân. Cuống lá rau phải còn xanh, mập.
Để chọn quả tươi thì quan trọng là chọn quả không bị nứt, vỏ không thủng, quả không dập nát. Nếu những quả có cành như vải, nhãn, nho thì bẻ cành xem thử, nếu lõi cành bên trong màu xanh, thơm mùi nhựa cây thì quả đó mới thu hoạch. Nếu khô, héo, quắt, đen thì đã thu hoạch từ lâu, quả không còn mới nữa.
3. HƯỚNG DẪN
LỰA CHỌN THỰC PHẨM BAO GÓI AN TOÀN
Để giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bao gói sẵn, ăn liền đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần nắm vững những tiêu chí sau:
1. Phải xem nhãn mác với đẩy đủ các nội dung sau:
- Tên thực phẩm
- Tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá.
- Định lượng của thực phẩm.
- Thành phần cấu tạo
- Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu
- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản
- Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng
- Xuất xứ của hàng hoá
2. Nên mua ở các cửa hàng có tín nhiệm: cửa hàng quen thuộc, siêu thị… những nơi chấp hành đẩy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm vệ sinh an toàn.
3. Không nên mua:
- Ở những cửa hàng, quán hàng bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng.
- Ở những nơi bày bán lẫn lộn tạp chất, hoá chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm…
4. HƯỚNG DẪN
BẢO QUẢN THỰC PHẨM AN TOÀN TRONG TỦ LẠNH
Dưới đây là những điều cần lưu ý khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, theo khuyến cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm:
- Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm.
- Thực phẩm mới cho vào ngăn đông đá nên để ở phía trong. Thực phẩm cũ, mua từ trước đó nên xếp ra ngoài để dùng trước. Nên gắn nhãn, đề ngày trên thực phẩm để tránh trường hợp để thức ăn quá hạn sử dụng.
- Dù để trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín, không chỉ vì thành phần của món ăn, mà còn vì chất lượng để tránh trường hợp thức ăn này bị dính mùi của món ăn khác.
- Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô... nên được bọc kín bằng giấy bạc. Lưu ý tương tự với một số rau quả dễ bốc mùi như mít, dứa hành...
- Không nên để trái cây quá sát bên nhau trong tủ lạnh để tránh một trái chín sớm làm lây sang các hoa quả khác.
- Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh là mặt kính sát với ngăn rau củ, đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó, đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ "mát" như sữa chua, bánh ngọt.
- Hộc tủ dưới cùng là khu vực dành riêng cho rau củ. Nên loại bỏ phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ, như cà rốt, củ cải, su hào... trước khi cho vào ngăn này. Rau củ nên được bao bọc, đặc biệt bằng vải thưa thấm chút nước hay giấy nhựa loại có đục lỗ li ti thì tốt nhất.
- Ngăn trên cùng của cửa tủ lạnh là nơi để phù hợp của các món ăn cần nhiệt độ thấp nhưng không được đông cứng như trứng, bơ, mứt. Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi phù hợp cho gia vị, cà phê với điều kiện là thực phẩm được bảo quản trong hộp, lon... đậy thật kín.
-Không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông đều giảm 20%. Chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu.
5. ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM MÙA BÃO LỤT
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, bão lụt và các thay đổi bất thường của thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có hại xâm nhập vào thực phẩm. Để bảo vệ bản thân và gia đình, mọi người nên thực hiện 5 nguyên tắc sau về an toàn thực phẩm:
Nguyên tắc 1: Giữ gìn vệ sinh tốt
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch: Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; Sau mỗi lần đi vệ sinh.
- Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.
- Giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp và thực phẩm phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Nguyên tắc 2: Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín
- Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác.
- Sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.
- Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa những thực phẩm sống và giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín.
Nguyên tắc 3: Đun nấu kỹ
- Đun, nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản
- Đun sôi thực phẩm và đảm bảo thực phẩm luôn được nấu kỹ.
- Đun kỹ lại thực phẩm chín và chỉ đun lại một lần.
Nguyên tắc 4: Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Làm lạnh ngay và bảo quản ở tủ lạnh tất cả các thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng khi không sử dụng ngay.
- Giữ phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ >60 độ C trước khi ăn.
Nguyên tắc 5: Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn
- Sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm.
- Lựa chọn thực phẩm tươi từ nguồn tin cậy, an toàn.
- Rửa sạch rau và hoa quả, đặc biệt với các loại rau quả ăn sống.
- Không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, méo
6. ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ
Thức ăn đường phố là những thức ăn đã làm sẵn hoặc được chế biến, nấu nướng tại chỗ, được bày bán ngay trên đường phố hoặc những nơi công cộng tương tự. Thức ăn đường phố bao gồm cả rau quả, đồ ăn thức uống khác được bán rong trên đường phố
Để đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, cơ sở phải đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn vệ sinh đường phố được quy định tại Quyết định 3199/2000/QĐ-BYT ngày 11/9/2000 của Bộ Y tế:
- Đảm bảo đủ nước sạch
- Có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống.
- Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm…).
- Người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn thức kiến thức và khám sức khoẻ định kỳ.
- Nhân viên có tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng.
- Không sử dụng các chất phụ gia và phẩm màu không được phép sử dụng cho thực phẩm.
- Thức ăn phải được bầy bán trên giá cao hơn 60 cm.
- Thức ăn chín phải được bày bán trong tủ kính.
- Thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh.
- Có dụng cụ đựng chất thải.
7. ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến, phục vụ ăn uống tại cửa hàng ăn uống tuân thủ theo các yêu cầu quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Cơ sở được thiết kế có nơi chế biến thức ăn, nơi bày bán hàng, nơi rửa tay cho khách hàng; nơi chế biến thức ăn, đồ uống; nơi ăn uống sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm; khu vực trưng bày thức ăn phải cách biệt giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.
3. Có đủ dụng cụ chế biến, chia, chứa đựng thức ăn và dụng cụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; vật liệu, bao gói thức ăn phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
4. Nước dùng để nấu nướng thức ăn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước sử dụng để sơ chế nguyên liệu thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, cho khách hàng rửa tay phải có đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT và phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 1 lần/năm theo quy định; nước đá để pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
5. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
6. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại.
7. Cơ sở có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải phải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường.
8. NGỘ ĐỘC RƯỢU VÀ CÁCH XỬ TRÍ, PHÒNG TRÁNH
1. Bản chất của rượu
Rượu được điều chế từ Ethanol, tạo ra từ quá trình lên men đường, cellulose hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm (rượu uống, bia, dấm…) và nhiều mục đích khác (dùng để sát trùng, dung môi…) hoặc rượu tự nấu. Rượu được sản xuất trong công nghiệp đã được khử các chất độc còn rượu tự nấu không thể khử chất độc.
Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa methanol (methyl alcohol). Đây là cồn công nghiệp (dùng trong công nghiệp) với nhiều công dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi vécni, dung môi…), hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống methanol được hấp thu nhanh chóng và nặng.
2. Biểu hiện của ngộ độ rượu
Có hai loại, ngộ độc cấp tính do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép. Ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu.
Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ (hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn) đến nặng (hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp), biến chứng hạ đường huyết. Với ngộ độc rượu pha chế từ methanol, lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 - 24 giờ sau hoặc lâu hơn) thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), nếu nặng đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật, đái ít hoặc vô niệu và có thể tử vong.
Nói chung tình trạng ngộ độc rượu bao giờ cũng xuất hiện các triệu chứng như giảm và mất khả năng vận động tự chủ, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người... Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người ngộ độc rượu có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
3. Tác hại của nghiện rượu và ngộ độc rượu
Người nghiện rượu có thể dẫn đến viêm gan cấp do rượu, xơ gan, ung thư gan, viêm loét đường tiêu hóa, viêm tụy cấp sau một bữa ăn thịnh soạn có rượu, suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần. Người lớn tuổi hay người có bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như: xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Khi say hoặc ngộ độc rượu ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn. Trường hợp ngộ độc rượu quá nặng biểu hiện thở nhanh nông, tim đập nhanh, huyết áp tụt... kèm theo buồn nôn, nôn. Mất phản xạ gân xương, mất cảm giác, đồng tử giãn, huyết áp tụt, hạ nhiệt độ, hạ đường huyết, hôn mê (nồng độ rượu luôn >3g/l), nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
4. Xử trí ban đầu
Khi thấy người say rượu, người thân, bạn bè... cần tìm cách để nạn nhân nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Đồng thời, cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng hoặc trà đặc, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa) càng lâu càng tốt. Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái (tránh bị sặc). Khi ngộ độc rượu, mọi người không cố gắng để làm cho nạn nhân nôn mửa (người đã bị ngộ độc rượu đã bị giảm phản xạ) có thể làm sặc chất nôn của chính họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra một chấn thương phổi gây tử vong. Đặc biệt, tránh để nạn nhân uống rượu say rồi đi ngủ (vì một số trường hợp có thể bị hôn mê trong khi ngủ). Tuyệt đối không nên để họ ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi họ dậy, cho uống sữa hoặc ăn cháo.
Nếu có biểu hiện bất thường như: co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai và mắt, loạn nhịp tim, cần phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
5. Phòng tránh
Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol). Không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Khi có biểu hiện say rượu cần gây nôn ra hết hoặc uống sữa nóng.
9. PHÒNG NGỘ ĐỘC TIẾT CANH, MÓN TÁI SỐNG
Tiết canh
Thường dùng là tiết gia súc, gia cầm. Tiết tươi sống chứa nhiều vi khuẩn, virut, trứng và ấu trùng giun sán; nó còn là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển.
Ăn tiết canh có thể bị sán não.
Khi ăn tiết canh, bạn có nguy cơ mắc các bệnh rất nguy hiểm, như nhiễm liên cầu lợn (Streptococus suis). Liên cầu lợn gây bệnh viêm màng não mủ, nếu chữa khỏi thì di chứng là giảm thính lực và điếc không hồi phục. Nhiễm khuẩn máu tỷ lệ tử vong 7-10%.
Nhiễm virut dại (Rabies virus) khi ăn tiết canh chó, nếu mắc bệnh dại nạn nhân đã lên cơn dại thì không thể cứu chữa.
Nhiễm virut cúm gia cầm (A/H5N1, H5N6, H7N9…) khi ăn tiết canh vịt, tùy theo độc lực của virut và sức đề kháng của cơ thể thực khách mà sinh bệnh nặng hay nhẹ.
Nhiễm sán não, sán dây và bệnh lợn gạo. Nhiễm ấu trùng giun xoắn khi ăn tiết canh lợn.
Nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, dư lượng thuốc trừ sâu có trong rau thơm ăn sống (rau thơm của quán ăn thì phần lớn chỉ rửa qua cho sạch đất còn trứng giun sán, vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn và thuốc trừ sâu vẫn tồn tại).
Không nên ăn tiết canh sống mà nên ăn tiết canh nấu chín. Tiết nấu chín đã diệt hết vi khuẩn, virut, ký sinh trùng lại là thực phẩm rất tốt và bổ dưỡng. Bởi tiết bổ sung cho cơ thể chất sắt dạng “hem”, albumin và các protein (trong thức ăn thì sắt dạng hem ở động vật có khả năng hấp thụ cao hơn sắt có trong thực vật).
Rau sống
Các loại rau ăn sống như rau diếp, xà lách, rau mùi, rau húng, vv .. nếu được trồng theo tiêu chuẩn sản xuất rau sạch (GAP) mới thu hoạch và rửa sạch trước khi ăn là những thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người do có nhiều sinh tố C, B, các carotenoid; nhiều chất chống lão hóa, chống ung thư như flavonoid, polyphenol. Tinh dầu và các chất khoáng, chất xơ.
Rau sống cần phải được rửa và ngâm kỹ trước khi ăn.
Nhưng ở nước ta hiện nay các cơ sở sản xuất rau sạch còn quá ít. Rau bán ở chợ và trong các quán ăn đường phố phần lớn là không an toàn vệ sinh thực phẩm: nhiều dư lượng thuốc trừ sâu, nhiễm trứng và ấu trùng giun, sán, vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn; các chất độc trong đất và nước như dioxin, chì, thủy ngân, asen…
Gỏi cá
Nguyên liệu chính của món gỏi cá là thịt cá sống.Tất các các loài cá sống trong tự nhiên đều nhiễm ký sinh trùng gây bệnh cho người.Nếu môi trường sống của cá có chất thải công nghiệp, chất độc chiến tranh thì cá nhiễm thêm hóa chất độc hại. Có chất thải sinh hoạt thì cá nhiễm thêm vi khuẩn, virut gây bệnh.
Ở Việt Nam gỏi cá chế từ nhiều loại cá: cá nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Gỏi cá là món khoái khẩu của nhiều người, nhiều địa phương. Tuy nhiên khi ăn gỏi cá, bạn phải đối diện với các nguy cơ: Nhiễm các loại ký sinh trùng như: Giun Anisakis, giun đầu gai (ấu trùng của nó xuyên qua ruột rồi đi khắp cơ thể: ở gan, vào mắt, trong não, trong tủy sống, ở phổi, có thể gây chết người). Sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá ruột, sán dây ký sinh ở ruột non. Nhiễm chất độc trong nước thải công nghiệp như Methyl thủy ngân. Nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn có trong nước bẩn nuôi cá.
Nem chua
Nguyên liệu là thịt lợn nạc sống xay (giã) nhuyễn, trộn với bì lợn lạng mỏng thái chỉ và thính (gạo rang thơm giã nhỏ) cùng với các phụ gia khác rồi chia từng nắm nhỏ để gói bằng lá sung, lá vông nem, ngoài bọc nhiều lớp lá chuối tươi; để 3-5 ngày sẽ thành nem chua. Do sử dụng thịt lợn sống nên nem chua có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, trứng hoặc ấu trùng sán dải lợn (lợn gạo) gây bệnh cho người ăn.
Nem chạo
Còn gọi là nem thính; là nem chế biến xong thì bày ra đĩa để ăn ngay. Mỗi địa phương có nhiều món nem chạo khác nhau, sử dụng nguyên liệu khác nhau có thứ làm chín, có thứ chỉ làm tái thịt (nhúng qua nước sôi). Có thứ chế biến xong vẫn là thịt ăn sống.
Người ăn nem chạo muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phải chọn thứ chế biến bằng nguyên liệu đã làm chín và rau sống ăn kèm phải là rau sạch, nếu không sẽ dễ nhiễm các bệnh như: liên cầu lợn, tả, lỵ, thương hàn, sán dây, sán lá.
Các món tái
Thịt bò bê bán ở chợ và các quán ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm sán dây bò (Taenia saginata) còn gọi là sán xơ mít, cho người ăn các món tái bò, tái bê, đặc biệt món bít tết là dễ bị nhiễm sán vì là miếng thịt to hình khối, không thái mỏng như món tái.
Lẩu
Lẩu là món ăn được chế biến bằng cách cho thực phẩm như thịt, tôm, cá, rau, mì..tươi sống hoặc đã chín vào nồi “nước dùng” đang sôi. Phần lớn nguyên liệu dùng chế lẩu là thực phẩm tươi sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm giun sán, tả lỵ, thương hàn... nên dễ gây bệnh cho người ăn.
Ăn thịt lợn, cẩn thận mắc bệnh chết người Lượng thịt lợn tiêu thụ trong những ngày Tết tăng cao, vì vậy cần tránh ăn nhầm thực phẩm bẩn.
10. ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TẾT TRUNG THU.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tết trung thu cần:
1. Huy động các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và toàn thể nhân dân, tham gia giám sát bảo đảm ATTP và đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP; phổ biến tuyên truyền các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn cộng đồng, đề phòng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu của các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện, thành phố đến xã, thị trấn.
2. Nội dung của hoạt động truyền thông: Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định trong lĩnh vực ATTP.Tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông về công tác đảm bảo ATTP Tết Trung thu trên các phương tiện thông tin đại chúng như Phát thanh Truyền hình, tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng về cách lựa chọn, tiêu dùng và sử dụng bánh Trung thu đảm bảo an toàn, phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
3. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kiểm soát, lựa chọn nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ sản xuất chế biến, vệ sinh cá nhân người tham gia sản xuất, vệ sinh cơ sở kinh doanh thực phẩm, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định về ATTP, ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm theo các quy định của pháp luật.
4. Người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thịt, bánh, mứt, kẹo, bia rượu bày bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, bị mốc hỏng, ôi thiu, hết hạn sử dụng...tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.
5. Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, lưu ý các cơ sở, hộ gia đình sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo, mứt, kẹo gia công, thời vụ trước, trong và sau Trung thu; kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, gian lận thương mại trong trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các loại bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát và các thực phẩm khác theo quy định; Tăng cường kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm, xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
6. Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hộ gia đình, thời vụ với các mặt hàng như: bánh, kẹo; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức, đoàn thể tổ chức bữa liên hoan đông người, đề phòng ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh đường tiêu hoá xảy ra; đặc biệt là các Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở có tổ chức liên hoan.